Giá xe ôtô BMW sẽ giảm nhiều khi Trường Hải phân phối?
Việc BMW về
tay Trường Hải được dự đoán sẽ khiến giá xe BMW trở nên
cạnh tranh thực sự với Audi, Lexus và cả Mercedes. Liệu sẽ lại có cuộc cách mạng giá như
cách Trường Hải tạo dựng ở phân khúc phổ thông? Sự háo hức của khách hàng lại
là những cảnh báo nhãn tiền mà các hãng xe sang ở Việt Nam phải chuẩn bị kịch bản
để đối mặt.
Giá xe sang sẽ thay đổi
Thị trường xe sang Việt Nam góp mặt gần như đầy đủ tất cả
các tên tuổi lớn trên thế giới, trong đó chủ yếu từ châu Âu. Mercedes thống
lĩnh với gần 4.500 xe bán ra năm 2016, những mẫu xe bán chạy đều lắp ráp, còn lại
nhập khẩu. Hết quý một 2017, thị phần hãng ngôi sao ba cánh tới 70%. 30% còn lại
các hãng chia nhau.
Cạnh tranh trực tiếp và có tiềm năng doanh số là BMW, Lexus
và Audi, cả ba đều thuần nhập khẩu và doanh số còn một khoảng xa mới theo kịp
Mercedes. Lượng xe bán cụ thể không được công bố, nhưng hãng bán tốt nhất cũng
chưa tới 50% của Mercedes. Nguyên nhân lớn, ngoài bản thân sản phẩm được ưa chuộng
còn bởi giá xe Mercedes lắp ráp rẻ hơn các đối thủ nhập khẩu.
Khi Trường Hải phân phối BMW, theo kiểu nhập khẩu hay lắp
ráp, đều có tiềm năng giảm giá sản phẩm, để đe dọa ngôi vương Mercedes.
Trường Hải có lợi thế hơn hẳn các nhà phân phối Audi,
Porsche hay thậm chí cả Mercedes Việt Nam ở mạng lưới phân phối. Ngoài hệ thống
các showroom tiếp quản lại của Euro Auto, công ty của ông Dương còn có hàng
trăm đại lý của Kia, Mazda hay Peugeot. Khi cần thiết, tận dụng hay mở rộng hệ
thống này phục vụ cho BMW không phải là bất khả thi.
Chi phí bán hàng nhờ đó sẽ rẻ hơn đối thủ. Chưa kể, Trường Hải
còn có thể giảm giá từ những hoạt động nhỏ ví như vận chuyển nội địa bằng cách
sử dụng đội ngũ xe tải, đầu kéo của mình để cõng theo xe con, không phải thuê
thêm mặt bằng kho bãi.
Ngay cả khi không thể giảm giá bằng hoạt động bán hàng,
"ông lớn" này vẫn có thể giảm giá bằng công cụ tài chính. Trường Hải
chấp nhận bán BMW lãi ít, hòa vốn thậm chí lỗ để đổi lấy độ phủ, thị phần trong
ngắn hạn.
Giám đốc một hãng xe sang tại Việt Nam nhận định, nếu so
găng bằng tiềm lực tài chính, cạnh tranh trực tiếp bằng giá thì kể cả phải bán
xe nhập khẩu nguyên chiếc, BMW của Trường Hải cũng không khó để tạo ưu thế.
BMW sẽ được lắp ráp trong nước
"Xe BMW lắp ráp sẽ là mối đe doạ thực sự cho các đối thủ",
vị này nhận định.
Đích mà ông Dương ngắm đến luôn luôn là xe lắp ráp, để mở rộng
quy mô tập đoàn cũng như tạo ra nền công nghiệp ôtô thực sự. Cũng vì lý do này
mà Mazda và Kia là hai cái tên ông chọn để liên doanh từ những ngày đầu, bởi
hai thương hiệu chưa có nhà máy lớn ở khu vực, không bị cạnh tranh đồng thời có
tương lai xuất khẩu. "BMW sẽ không phải ngoại lệ".
Bên cạnh đó, để tạo được chính sách giá tốt, liên doanh
Mercedes Việt Nam gặp khó khi có sự chi phối của hãng mẹ Mercedes tại Đức,
trong khi mô hình của BMW với Trường Hải là kiểu bán xe thu lợi từ giá vốn. Đặt
giá thế nào tại Việt Nam, lời lỗ ra sao là việc riêng của đối tác trong nước, tất
nhiên đi kèm các điều khoản bảo vệ giá trị thương hiệu.
Sự xuất hiện của Trường Hải cùng BMW ở mảng xe sang hứa hẹn
mang tới làn gió mới. Hãng xe Việt cần sự hài hoà của cả nguồn lực, thị trường
và chính sách mới mong tạo ra cuộc cách mạng như đã làm được ở xe phổ thông.
Khi đó, Mercedes, Audi hay Lexus khó lòng ngồi yên. Cuộc chiến của người bán sẽ
mang lại lợi ích cho khách hàng, khi khoảng cách tới phân khúc xe cao cấp dần
thu hẹp.
Post a Comment